Phụ nữ mang thai nên kiêng ăn gì?
Thứ hai, 21 Tháng 1 2008 16:29 Giới Tính - Sức khỏe sinh sản
Ảnh Minh HọaTrong thời kỳ mang thai dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng quyết định sức khỏe của bà mẹ và thai nhi nên mọi người đều có ý thức ăn cho cả hai. Tuy nhiên, một chế độ dinh dưỡng tốt là phải cân đối về chất và hợp lý về lượng. Ngoài ra, cũng cần chú ý một số điều kiêng khem sau đây:
Không ăn thức ăn nhiều mỡ
Nhiều nghiên cứu y học cho thấy, ung thư vú và ung thư cổ tử cung đều có khuynh hướng di truyền gia tộc. Nếu phụ nữ mang thai ăn nhiều mỡ trong thời gian dài, con cái sau này sẽ có nhiều nguy cơ ung thư sinh dục. Các nhà y học đã từng chỉ ra rằng, bản thân mỡ không gây ra ung thư, nhưng nếu ăn nhiều thức ăn có lượng mỡ cao sẽ tăng khả năng tổng hợp kích thích tuyến vú, ảnh hưởng sức khỏe bà mẹ và thai nhi.
Không ăn thức ăn nhiều đường
Ở phụ nữ mang thai chức năng thải đường của thận sẽ giảm ở những mức độ khác nhau, nếu đường trong máu quá cao, thận của phụ nữ mang thai sẽ làm việc quá tải, không có lợi cho sức khỏe. Nhiều nghiên cứu y học cho thấy, lượng đường hấp thụ quá nhiều sẽ làm suy yếu khả năng miễn dịch của cơ thể, dẫn đến giảm khả năng kháng bệnh nên dễ mắc bệnh và nhiễm virut.
Không nên ăn quá mặn
Các nghiên cứu y học cho rằng, tỷ lệ tăng huyết áp có liên quan đến lượng muối ăn hằng ngày, lượng muối ăn càng nhiều, tỷ lệ tăng huyết áp càng cao. Tăng huyết áp ở phụ nữ mang thai là một trong các yếu tố nguy cơ nhiễm độc thai nghén (bao gồm phù, tăng huyết áp và albumin niệu...). Vì vậy, để giữ sức khỏe thời kỳ mang thai, các chuyên gia khuyên lượng muối ăn mỗi ngày chỉ nên khoảng 6g.
Không ăn nhiều chất chua
Phụ nữ mang thai thời kỳ đầu thường nghén, chán ăn, buồn nôn, nhiều người thích ăn của chua. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Liên bang Đức phát hiện, thời kỳ đầu thai nghén nếu cơ thể người mẹ hấp thụ chất chua (axit) và các chất có vị chua khác dễ bị tích lũy trong tổ chức bào thai, ảnh hưởng đến việc sinh trưởng, phát triển và sinh sản bình thường của tế bào thai nhi, đồng thời dẫn đến đột biến gen, thai dễ dị dạng. Vì thế, phụ nữ mang thai trong 2 tuần đầu không nên ăn và uống nhiều đồ chua.
Không nên lạm dụng thuốc bổ
khi phụ nữ mang thai, lượng máu trong hệ thống tuần hoàn của cơ thể tăng rõ rệt, tim làm việc nhiều hơn, huyết quản trong tử cung, vách âm đạo và ống dẫn trứng luôn trong trạng thái dãn nở, sung huyết. Hơn nữa, chức năng nội tiết của phụ nữ mang thai mạnh mẽ hơn, rất dễ tích nước và natri sinh ra phù nề, tăng huyết áp.
Mặt khác, dịch vị dạ dày của phụ nữ mang thai tiết ra ngày càng ít đi, có hiện tượng ăn không thấy ngon miệng, dạ dày trướng khí táo bón. Trong trường hợp này, phụ nữ mang thai lại thường xuyên uống như thuốc bổ, nhân sâm, lộc nhung và các thuốc bổ khác càng khiến cho nội tiết mất cân đối, khí thịnh âm hao, phù nề, tăng huyết áp, táo bón, thậm chí còn sảy thai hoặc thai bị chết lưu.
Không ăn thực phẩm đã biến chất
Phụ nữ mang thai ăn các loại thực phẩm bị nhiễm độc hoặc có độc tố, không chỉ bị nhiễm độc cấp tính hoặc mãn tính, thậm chí còn hại đến thai nhi. Trong 2 - 3 tháng đầu mang thai, phôi thai đang phát triển, tế bào phôi đang trong giai đoạn phân hóa, lúc này nếu độc tố xâm hại, khiến nhiễm sắc thể bị phá vỡ hoặc có biến dạng, có khi ngừng phát triển và dẫn đến thai nhi bị chết hoặc sảy thai, có khi bị quái thai, dị tật bẩm sinh như bị tim tiên thiên.
Mặt khác, trong thời kỳ thai nghén, chức năng của các cơ quan trong cơ thể chưa hoàn thiện. Đặc biệt là chức năng của gan, thận đều rất yếu, các chất độc gây nhiễm độc cho thai nhi và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Không ăn chay dài ngày
Có một số phụ nữ trong thời kỳ mang thai muốn có thân hình gọn gàng, thon thả, hoặc một số người vì điều kiện kinh tế hạn chế, thường ăn chay dài ngày, làm ảnh hưởng đến thai nhi. Theo các nhà y học, nếu thời kỳ mang thai không chú ý dinh dưỡng sẽ không cung cấp đủ protein cho thai nhi, số tế bào não của thai giảm, ảnh hưởng đến trí lực của trẻ sau này. Nếu lượng mỡ hấp thụ không đủ, thai không đủ trọng lượng, sức đề kháng kém. Nếu ăn chay, bản thân phụ nữ khi mang thai cũng sẽ thiếu máu, phù nề và tăng huyết áp.
Không uống đồ uống có chứa chất kích thích
Các nghiên cứu y học cho thấy, nếu phụ nữ mang thai uống rượu, cồn trong rượu sẽ vào cơ thể thai nhi qua cuống nhau thai, trực tiếp gây tác hại cho thai nhi, thai phát triển chậm, hoặc có một số bộ phận bị dị dạng như: đầu nhỏ, cằm ngắn, thân ngắn (lùn), thậm chí tứ chi và tim cũng dị dạng, có trẻ ra đời trí tuệ đần độn, ngu dốt, bướng bỉnh, dễ mắc bệnh.
Ngoài ra, các nhà y học khuyến cáo phụ nữ mang thai không nên uống nhiều đồ uống lạnh, không nên ăn nhiều đồ ăn lạnh, đề phòng động thai và thai phụ dễ bị đau bụng đi ngoài.